5 Kinh Nghiệm Cần Biết Khi Đầu Tư Vàng Để Không Bị Thua Lỗ
Một nhà đầu tư giỏi không phải là nhà đầu tư đoán trước được thị trường. Một nhà đầu tư giỏi là người quản lý rủi ro tốt. Cũng như các kênh đầu tư khác, đầu tư vào vàng cũng đi kèm với rất nhiều rủi ro mà những nhà đầu tư non kinh nghiệm không nhìn thấy. Sau đây là các kinh nghiệm đầu tư vàng của cá nhân tôi. Hy vọng nó sẽ giúp bạn kiểm soát rủi ro tốt hơn khi đầu tư vào vàng. Nhất là ở giai đoạn vàng có nhiều biến động như thời gian qua.
5 kinh nghiệm đầu tư vàng bạn cần biết
Có khá nhiều điều bạn cần lưu ý khi xuống tiền đầu tư vào vàng. Tôi sẽ liệt kê và làm rõ từng điều để bạn có thể nắm rõ nhé.
Lên kế hoạch để đầu tư vàng
Đầu tư là một kế hoạch, và kế hoạch càng chi tiết thì rủi ro càng thấp. Rủi ro là những thứ không nằm trong kế hoạch của bạn. Với vàng, nếu bạn muốn đầu tư cần phải lên kế hoạch chi tiết cho nó. Mua ở giá nào? Khi nào bán? Bạn muốn giữ bao lâu? Hình thức đầu tư hay là đầu cơ hay là giao dịch? Nếu mọi thứ không theo kế hoạch thì sao? Bạn chịu lỗ được bao nhiêu? Tất cả cần phải được nằm trong kế hoạch.
Trong bài viết trước tôi đã đề cập tới 2 hình thức đầu tư vàng phổ biến là: Đầu tư vàng vật chất và giao dịch Vàng Forex.
Hãy nhớ rằng: Kế hoạch càng chi tiết thì rủi ro càng ít.
Theo dõi giá vàng thường xuyên
Tùy vào loại hình đầu tư vàng của bạn mà bạn cần phải theo dõi giá vàng nhiều hay ít. Nếu như bạn đầu tư dài hạn vàng vật chất, bạn chỉ mua và giữ trong thời gian dài thì bạn chỉ cần đọc các tin tức về giá vàng là đủ. Khi có biến động mạnh, giá vàng tăng vọt thì báo chí sẽ là nơi bạn biết được giá vàng đang như thế nào. Nếu cẩn thận hơn, bạn có thể tìm 1 vài trang báo uy tín về giá vàng để theo dõi như:
+ Trang giá vàng uy tín và chính xác của Việt Nam: sjc.com.vn, dantri.com.vn, giavangvietnam.com…
+ Trang báo giá vàng thế giới uy tín: investing.com, tradingview.com, goldprice.org….
Còn nếu bạn đầu cơ vàng hay giao dịch Vàng Forex, bạn cần phải theo dõi chặt chẽ giá vàng hơn, cập nhật hàng ngày thậm chí là hàng giờ. Đặc biệt như những ngày biến động đầu tháng 8 vừa qua khi giá vàng có lúc nhảy vọt lên tới 62 triệu đồng/lượng. Là một nhà đầu cơ vàng, nếu bạn không cập nhật giá vàng kịp thời, bạn có thể thua lỗ nặng.
Giá vàng thế giới và giá vàng Việt Nam không phải lúc nào cũng như nhau
Đây là một lưu ý quan trọng bạn cần nắm rõ khi đầu tư vàng từ kinh nghiệm của tôi. Nước ta là một quốc gia có thị trường vàng khá đặc biệt với các định chế kinh doanh và giao dịch vàng khác so với thị trường vàng thế giới. Do đó các biến động giá vàng tại Việt Nam có thể diễn biến có lúc chậm hơn hoặc là biến động mạnh hơn so với giá vàng thế giới.
Ví dụ như những ngày vừa qua khi giá vàng thế giới tăng hơn 200$/ozt thì giá vàng Việt Nam đã tăng hơn 10 triệu đồng/ lượng. Nắm rõ sự khác nhau này sẽ giúp bạn có những quyết định phù hợp khi đầu tư vàng.
Không nên giao dịch vàng khi khoảng cách chênh lệch giá mua/bán vàng lớn
Đây có lẽ là điều lưu tâm dành riêng cho các nhà đầu tư vàng tại nước ta. Như bài viết trước tôi đã chia sẻ, việc làm giãn giá chênh lệch mua/bán vàng là chiêu trò của các công ty, doanh nghiệp kinh doanh vàng ở Việt Nam nhằm lấy lợi thế về phía mình trước nhà đầu tư.
Vì vậy, khi khoảng cách giá này quá lớn, bạn không nên giao dịch (cả mua và bán) vàng. Trừ khi giá vàng tăng đạt đúng mức lợi nhuận hoặc giảm tới mức cắt lỗ đặt ra trong kế hoạch của bạn. Nếu bạn không nhận ra chiêu trò này, bạn có thể vẫn lỗ nặng ngay cả khi giá vàng tăng, đặc biệt là với cá nhân đầu cơ vàng.
Nên mua/bán vàng thỏi ở đâu được giá và an toàn nhất?
Đây có lẽ là phần tưởng chừng như đơn giản nhưng lại rất nhiều người mới mắc phải khi đầu tư vàng vật chất. Luật pháp Việt Nam quy định chỉ được phép giao dịch vàng (hoạt động mua, bán vàng miếng) của tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Như vậy, tất cả những cơ sở, tổ chức không được cấp phép kinh doanh vàng sẽ đều không được giao dịch vàng. Nếu bạn giao dịch tại những nơi này do giá lời hơn và dễ giao dịch hơn hay vì bất kỳ lý do nào thì bạn sẽ vi phạm pháp luật và xử phạt hành chính.
Trường hợp mua, bán vàng miếng không đúng quy định nêu trên sẽ bị phạt cảnh cáo. Nếu tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo điểm A khoản 2 điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP.
Tuy nhiên, vàng trang sức như nhẫn, hoa tai, dây chuyền, lắc người dân được phép mua, bán tại tiệm vàng mà không bị coi là vi phạm quy định nêu trên.
Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi khuyên bạn nên giao dịch vàng tại những cửa hàng vàng được ủy quyền hoặc là của các thương hiệu lớn như hệ thống SJC, PNJ… Tại những cơ sở này, việc giao dịch vàng của bạn là hoàn toàn minh bạch và hợp pháp.
Tổng kết
Một lần nữa tôi hi vọng những kinh nghiệm trên đây sẽ có ích với tất cả các bạn khi đầu tư vàng. Bạn đã đầu tư vàng chưa? Kinh nghiệm đầu tư vàng của bạn là gì? Hãy cho tôi biết ở phần bình luận nhé. Xin chào và hẹn gặp lại các bạn.