Hướng Dẫn Cách Đầu Tư Vàng Vật Chất Dành Cho Người Mới Bắt Đầu
“Kiếm bộn tiền từ việc mua bán vàng”. “Vàng – kênh đầu tư hiệu quả nhưng không dễ mùa khủng hoảng” Khắp các diễn đàn, mạng xã hội tràn ngập thông tin về vàng. Những thứ này đã đến tai bạn và bạn muốn tìm hiểu cách đầu tư vào vàng? Tuy nhiên là 1 tay mơ, bạn không biết nên bắt đầu từ đâu. Kinh nghiệm và hiểu biết ít ỏi khiến bạn chùn bước. Thế thì bài viết này dành cho bạn.
Đây là bài viết dành cho người mới quan tâm đến kênh đầu tư về vàng vật chất. Hiểu nôm na là vàng miếng SJC, vàng nhẫn trơn bóng 9999. Không liên quan gì đến vàng tài khoản, vàng Forex, Trade vàng các kiểu… Hãy đọc bài viết này ít nhất 1 lần trước khi bạn xuống tiền với vàng. Vì biết đâu, nó sẽ giúp bạn tránh phải ôm hận vì vàng.
Ok! và giờ chúng ta bắt đầu bài viết này: Tất tần tật về cách đầu tư vàng từ A đến Z.
Hiểu thời đầu tư vàng
Khi đầu tư vàng, bạn phải biết: Vàng là 1 loại tài sản giống như Bất Động Sản (BĐS), chứng khoán…. Nó cũng có thời của nó (mang tính chu kỳ): Gặp thời, vàng sẽ tăng và tăng liên tục. Nhưng hết thời, vàng sẽ giảm và đi ngang 1 khoản thời gian khá dài.
Thời của vàng, bạn phải đầu tư vàng bằng cách này hay cách khác. Thời của BĐS, bạn phải mua đất. Hoặc thời của chứng khoán, bạn phải mua cổ phiếu. Thời nào việc đó mới mong có tiền.
Tôi sẽ lấy ví dụ để bạn thấy:
2005 – 2007: Đây là thời của chứng khoán, bạn mua bất kỳ cổ phiếu nào cũng kiếm được tiền.
2008 – 2011: Nền kinh tế thế giới suy thoái, khủng hoảng. Đây là thời mà vàng nên ngôi. Bạn không khăng khăng ôm cổ phiếu được, muốn kiếm được tiền bạn phải mua vàng. Đầu năm 2008, vàng miếng SJC ở giá 16 triệu đồng/lượng phi thẳng lên 49 triệu đồng/lượng vào năm 2011. Ai chuyển ôm vàng vào thời điểm này chỉ có trúng đậm.
2012 – 2019: Kinh tế có dấu hiệu hồi phục và phát triển. Cổ phiếu và BĐS tăng trở lại. Vàng từ 49 triệu giảm mạnh về 32 triệu và sau đó đi ngang. Mua vàng lúc này chỉ chôn vốn.
2019 đến nay: Bắt đầu từ thương chiến Mỹ Trung, đến dịch Covid 19. Thế giới đã và đang có dấu hiệu suy thoái. Vàng lại nổi lên, nóng sốt trở lại. Trong khi đó, Bất động sản có dấu hiệu đứng, còn chứng khoán thì tương đối rủi ro.
Nói như vậy để thấy không phải lúc nào bạn mua vàng cũng trúng. Đầu tư vào vàng cũng có chu kỳ, cũng có thời thế. Vì thế, nếu bạn làm sai chu kỳ, khả năng chôn vốn thậm chí là lỗ vốn là chuyện rất bình thường. Tôi sẽ cho bạn xem trends tìm kiếm về vàng trên Google:
Từ cuối năm 2019 tới năm 2020, lượng tìm kiếm từ khóa “giá vàng” đã tăng mạnh so với các năm trước. Điều này là dễ hiểu bởi: khi khủng hoảng, suy thoái xảy ra mọi con mắt đầu tư sẽ đổ dồn về vàng. Hãy đọc lại bài viết này của tôi để hiểu rõ hơn điều tôi đang muốn nói: Tại sao phải đầu tư vàng trong khủng hoảng?
Các tay chơi trên thị trường vàng
Có nhiều loại nhà đầu tư mà bạn sẽ biết trên thị trường vàng. Tôi sẽ liệt kê khoản 5 loại, mỗi loại sẽ có những tư duy khác nhau. Nếu là người mới, bạn cần phải chọn điểm đứng cho mình.
Loại 1: Mua và nắm giữ trọn đời
Đây là nhà đầu tư kiểu “Ông bà ta”, làm có dư mỗi tháng, ra tiệm vàng, sắm vài ba chỉ vàng, đem về nhà và “chôn dưới đất”. Đến khi cần thì sẽ “moi lên”. Với cách đầu tư này, thì bất chấp thời thế. Cứ lãnh lương, có tiền là “ghé” tiệm vàng uy tín nhất mua và trữ.
Bạn phải hiểu rằng, từ sau giải phóng, vàng là 1 loại tài sản đã tăng liên tục: Từ dưới 4 triệu 1 lượng lên đến gần 50 triệu 1 lượng năm 2011. Đồng thời Việt Nam là nước chuộng vàng thì kiểu tư duy “yêu vàng” này không hề sai. Và sự thật đã chứng minh, cha anh ta đã giàu nhờ vào việc cất trữ vàng.
Vấn đề là cách đầu tư vào vàng kiểu này hợp với phong cách người xưa nhiều hơn. Vì họ đã sống qua lịch sử và chứng kiến vàng liên tục tăng, nên họ có niềm tin mãnh liệt về vàng. Còn với người mới, rất có thể, cách đầu tư này không làm bạn mặn mà.
Loại 2: Mua và bán vàng theo thời
Tôi gọi loại này là các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Giống như cách tôi đã trình bày phần trên, thời nào việc đó: Cứ khủng hoảng, suy thoái, Fed (Ngân hàng Trung Ương Mỹ) in tiền, giảm lãi suất. Suy ra, đồng USD sẽ mất giá và vàng sẽ tăng giá. Và các nhà đầu tư loại này sẽ bắt đầu: Mua gom vàng (Nhớ nha là mua gom vàng, nghĩa là chia tiền ra mua nhiều giai đoạn). Ví dụ:
Giai đoạn 1: Các nhà đầu tư chuyên nghiệp dự đoán thế giới sẽ bước vào giai đoạn suy thoái hoặc khủng hoảng. Họ sẽ chia tiền và mua vàng.
Giai đoạn 2: Đúng như dự đoán, suy thoái xảy ra và giá vàng bắt đầu tăng. Họ sẽ tiếp tục mua vào.
Giai đoạn 3: Fed in tiền, ngân hàng trung ương trên toàn thế giới bắt đầu in tiền. Vì thế, vàng sẽ tiếp tục tăng. Đây được xem là vùng mua cuối cùng của các nhà đầu tư chuyên nghiệp khi 2 khoản mua gom trước đó đã có lợi nhuận.
Giai đoạn 4: Tiền in ra bắt đầu ngấm vào nền kinh tế và các dấu hiệu phục hồi bắt đầu xuất hiện. Thời điểm bán vàng xuất hiện.
Có thể bạn đọc sẽ thấy việc mua bán theo thời rất dễ dàng. Nhưng thực tế, rất ít người làm được điều trên: Mua và nắm giữ 1 thời gian đủ dài (vài năm). Vì đây là cách làm giàu lâu, tốn nhiều thời gian và chất xám để phân tích thị trường. Phải có kiến thức để dự đoán thời điểm và có những hành động mua hoặc bán phù hợp.
Loại 3: Giao dịch vàng
Phần lớn những người bạn biết đang tham gia vào thị trường vàng nằm ở loại thứ 3.
Đây là những người thường xuyên mua bán vàng để ăn chênh lệch giá. Giống như kiểu kinh doanh vàng, có thể hiểu như này: Hôm nay mua 42 triệu/lượng, 3 ngày sau chạy ra bán 44 triệu/lượng, lời được 2 triệu. Vàng vượt 51 triệu/lượng, dắt xe chạy ra mua, 1 tuần sau vàng tăng lên 62 triệu/lương, xếp hàng bán lời được 11 triệu.
Tôi hay gọi loại này là những tay chơi vàng. Họ giao dịch thường xuyên, có khi trong ngày. Sáng mua chiều bán, trong những lúc biến động lớn có thể kiếm được vài trăm đến vài triệu đồng trên 1 lượng vàng.
Nhưng thực tế, cách này không kiếm tiền bền. Ăn thì ăn non, nhưng khi mất lại mất nhiều. Thị trường vàng cực kỳ khó dự đoán, nếu bạn mang tư duy ăn nhanh, ăn sỏi, bạn sẽ trả giá. Giai đoạn đầu có thể bạn sẽ kiếm được tiền đấy, nhưng 1 khi thua là thua sạch, mất hết phần lợi nhuận mà bạn đã tích lũy trước đó.
Loại 4: Tiệm vàng, ngân hàng, cầm đồ vàng
Không thể bỏ qua loại này được, vì họ cũng có tồn tại trên thị trường này. Và với nhiều người, ước mơ của họ là được “mở tiệm vàng”. Đơn giản là vì: Bán cái gì không biết, chứ bán vàng là biết nhà nó giàu.
Tư duy của những người làm tiệm vàng hoặc cầm đồ vàng không giống như các nhà đầu tư. Họ không quan tâm đến thời thế, không cần phân tích hay dự báo giá vàng sẽ tăng giảm thế nào trong tương lai. Họ chỉ cần biết giá vàng hôm nay là bao nhiêu, vậy thôi. Loại này thì sẽ cần nhiều kinh nghiệm về kinh doanh mua bán hơn là đầu tư vàng. Với họ, vàng chỉ là 1 loại hàng hóa và họ buôn bán nó.
Loại 5: Nhà cái
Bạn nghĩ giá vàng sẽ tuân theo quy luật cung cầu? Giá tăng khi nhu cầu tăng, ngược lại giá giảm vì mọi người cùng bán ra khiến cung tăng? Không. Thực tế thì mọi biến động của thị trường kim loại quý này đều bị thao túng bởi NHÀ CÁI – Tay chơi số má nhất.
Nhà cái được hiểu là các nhà tạo lập, các nhà làm giá. Chỉ cần họ “ho” 1 tiếng, thì giá vàng sẽ biến động. Họ muốn vàng tăng thì nó tăng, họ muốn vàng giảm thì nó giảm.
Nhà cái lớn nhất có thể gây ảnh hưởng đến giá vàng thế giới chắc chắn là FED (ngân hàng trung ương Hoa Kỳ). Và nhà cái lớn nhất quyết định giá vàng trong nước là SJC (độc quyền thương hiệu vàng Việt Nam), nhưng giá của SJC phụ thuộc rất nhiều vào giá vàng thế giới. Vậy trong cuộc chơi này, FED là ÔNG TRÙM.
Tại sao FED lại là TRÙM? Trả lời theo cách dài dòng là: Vì Mỹ là nền kinh tế số 1, vì Mỹ trữ vàng nhiều nhất thế giới, Vì mọi thông tin của FED đều làm ảnh hưởng đến đồng USD từ đó ảnh hưởng đến giá vàng…. Còn trả lời theo cách đơn giản là: Vì FED có máy in tiền đô, thế thôi!
Xem giá vàng
Tại sao lại để mục xem giá vàng tại đây? Xem giá vàng thì có gì để mà học?
Trả lời: Vì đây là trang web xem giavangvietnam.com nên phải bỏ vào? Thực tế là vì quá nhiều ông hô hào đầu tư vàng mà còn chưa hiểu, chưa biết cách coi giá vàng (Đặc biệt là mấy ông gà mờ).
Tôi sẽ đưa cả những tiếng lóng trong đầu tư vàng mà dân chuyên hay dùng để bạn hiểu:
Biểu đồ giá vàng thế giới Kitco (hay còn gọi là giá Kit): Đây là giá vàng thế giới được cập nhật ngay thời điểm hiện tại. Giá vàng quốc tế sẽ ảnh hưởng đến giá vàng trong nước. Từ đó, mà các động thái của KIT rất được quan tâm. Đặc biệt là các nhà đầu tư lướt sóng và các chủ tiệm vàng.
Biểu đồ giá vàng thế giới XAUUSD (hay còn được biết là XAU hoặc GOLD): Đây là biểu đồ giá vàng dạng đồ thị nến Nhật của vàng. Dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp phân tích và dự đoán giá vàng thế giới.
Giá vàng miếng SJC trong nước (Hay còn được gọi là si hoặc ếch): Đây là loại vàng được các nhà đầu tư chuyên nghiệp ưa chuộng nhất. Chênh lệch giá mua/bán thấp hơn so với phần còn lại, tính thanh khoản cao (ở đâu bán miếng SJC cũng được).
Giá vàng bóng, nhẫn trơn 9999 (vàng 4 số 9): Loại vàng này tương đối thịnh hành trong dân. So với miếng SJC, thì nhẫn trơn bóng 4 số 9 có mức chênh lệch giá mua/bán cao hơn. Nhưng lại dễ dàng tiếp cận và hầu hết các tiệm vàng đều có loại vàng này.
Giá vàng trang sức, nữ trang, vàng 24k, 18k, 10k: Chỉ dành cho những ai mở tiệm vàng. Các nhà đầu tư không bao giờ mua loại vàng này. Lý do là vì mức chênh lệch giá quá cao, đồng thời giá mua bán còn có “công thợ”.
Xem giá vàng là xem gì? Cách xem giá vàng
(i) Xem giá mua vào và bán ra: Nhu cầu thế nào thì xem thế đó. Bạn có vàng, muốn đem vàng ra tiệm vàng bán thì xem giá mua (đây là giá mà tiệm vàng chào mua). Ngược lại, bạn có tiền mua vàng thì xem giá bán (Giá tiệm vàng sẽ bán cho bạn). Và đương nhiên, lúc nào giá bán cũng cao hơn giá mua.
(ii) Xem mức chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra: Trong giao dịch vàng, đây được xem là khoản chi phí. Tôi đã có 1 giải thích về mức chênh lệch này. Cực kỳ quan trọng, bạn cần phải đọc qua để hiểu rõ nó: Chênh Lệch Giá Vàng Mua Vào Và Bán Ra: Tại Sao Bạn Luôn Thua Lỗ? Ai Là Người Đứng Sau?
(iii) Xem biểu đồ các loại: Lịch sử là dữ liệu duy nhất để phân tích và dự đoán tương lai. Chính vì thế, nếu bạn mua vàng và trông chờ nó lên, thì cần phải học cách đọc biểu đồ.
Cách đầu tư mua vàng người mới cần biết
Có nhiều cách để bạn có thể sở hữu vàng vật chất. Tùy vào loại vàng bạn muốn mua mà cách mua vàng có thể khác nhau. Sau khi đã có 1 kế hoạch cho việc mua vàng, Bây giờ là lúc để bạn thực hiện theo kế hoạch.
+ Nếu bạn muốn mua vàng miếng để tích trữ thì SJC là lựa chọn số 1. Tôi đã có bài viết nói riêng về thương hiệu vàng quốc gia này, bạn hãy xem lại để hiểu vì sao khi mua vàng miếng tích trữ thì hãy tìm đến SJC. Bài viết: 3 Lý Do Tại Sao Vàng Miếng SJC Lại Được Nhiều Người Ưa Chuộng và Điều Kiện Và Cách Mua Bán Vàng Miếng SJC Tại Cửa Hàng SJC
+ Nếu bạn mua nhẫn tròn trơn 9999 để tích trữ thì sẽ có nhiều lựa chọn hơn cho bạn như: DOJI, PNJ, AAA… Ưu điểm của việc tích trữ nhẫn tròn trơn là vốn ít, dễ bảo quản và nhiều cơ sở giao dịch.
+ Nếu bạn là nhà đầu cơ vàng thì câu chuyện lúc này sẽ khác. Hãy ưu tiên các cơ sở giao dịch vàng đáp ứng “mua nhanh bán nhanh” của bạn. Các tiệm vàng là lựa chọn không tồi trong trường hợp này. Nếu bạn ở các thành phố lớn, các cửa hàng của hệ thống vàng SJC hay Bảo Tín Minh Châu, Phú Nhuận, Phú Quý đáp ứng được điều này. Đặc biệt, khi mua vàng đầu cơ bạn cần phải theo dõi chặt chẽ giá vàng. Có chiến lược mua bán kỹ lưỡng. Nếu không khả năng thua lỗ là rất cao vì đây là hình thức rất mạo hiểm.
+ Nếu bạn thuộc vàng hàng cá mập (mua bán vàng số lượng lớn) thì chắc chắn bạn phải giao dịch vàng tại ngân hàng. Đơn giản là vì bạn có thể chuyển khoản nhanh chóng và gửi vàng ngay tại ngân hàng sau khi mua. Chứ mà ôm tiền tỷ đi lung tung thì lại mệt 😀
Những nguyên tắc mua vàng đơn giản nhất
Nguyên tắc 1: Trước khi xuống tiền, bạn phải có 1 kế hoạch. Hãy liệt kê đầy đủ những gì bạn sẽ làm nếu mua vàng. Kiếm tiền là 1 kế hoạch và nếu bạn không có kế hoạch thì trước sau gì bạn cũng sẽ bị mất tiền. Hãy cố gắng liệt kê chi tiết và đầy đủ: Bạn mua vàng với mục đích gì? Mua và tích trữ hay đầu cơ? Nếu tích trữ thì sẽ giữ trong bao lâu? Bạn sẽ dành bao tiền mua vàng? Mua lẻ tẻ hay mua 1 lúc?… Có rất nhiều thứ bạn cần phải liệt kê trong bản kế hoạch này. Hãy nhớ, kế hoạch càng chi tiết thì khả năng bạn thua lỗ sẽ càng thấp.
Nguyên tắc 2: Chỉ mua vàng khi giá vàng trong nước chênh lệch không quá nhiều so với giá vàng thế giới.
Đây là cách giúp bạn tránh được những lần “làm giá” của các nhà tạo lập thị trường vàng tại Việt Nam. Nước ta có 1 thị trường vàng với nhiều các quy định, quy chế đặc biệt về giao dịch và kinh doanh vàng. Vì vậy, giá vàng đôi khi sẽ được “nhào nặn” bởi các tay chơi lớn. Hãy nhớ, chỉ mua vàng khi giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch nhau không quá cao (Khoảng 500k/ lượng).
Nguyên tắc 3: Hiểu rõ chênh lệch giá mua/bán vàng và chỉ mua khi chênh lệch này không quá lớn.
Tôi đã có riêng hẳn 1 bài viết nói về chênh lệch giá mua/bán vàng. Nguyên tắc này giúp bạn tránh được những cơn bão giá của giá vàng – Là lúc các cơ sở kinh doanh và tiệm vàng bội thu. Trước khi xuống tiền mua vàng, hãy tìm hiểu kỹ mức chênh lệch này để tránh ôm hận nhé các bạn.
Tổng kết
Để có thể trở thành “dân vàng” thứ thiệt và kiếm được tiền từ vàng không phải là chuyện dễ. Là người mới bạn sẽ còn phải rút ra cho mình rất nhiều kinh nghiệm mới có thể vững vàng trên thị trường này. Tuy nhiên, hãy vững tin, giavangvietnam.com sẽ luôn bên cạnh và giúp đỡ bạn. Bài viết của chúng tôi tới đây là kết thúc. Chúc các bạn thành công.
Bài viết dài và quá chat lượng. Cảm ơn tác giả
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết
Bài viết này hay quá ạ. Rất nhiều các kiến thức bổ ích
Cảm ơn bạn ạ
Bài viết chất lượng quá à. Đúng là dành riêng cho người mới rồi
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này
Thank bạn
Mình có câu hỏi dành cho các thành viên là: có nên quan tâm đến sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế hay không. Nếu mức chênh lệch này cao thì nên hành động như thế nào
Chênh lệch này hay được gọi là thun bạn ạ. Vàng việt nam mà chênh cao với thế giới, nghĩa là SJC trong nước muốn để giá cao, đẩy rủi ro cho người dân. Vì thế, lúc này hoặc là bán, hoặc là ko làm gì cả.
Ad có thể hướng dẫn mình những lưu ý khi gửi vàng trông ngân hàng với. Các bước để gửi vàng an toàn. Cám ơn ad
Mình sẽ sớm có 1 bài viết, Cảm ơn bạn
Bài viết hay quá đi á. Hic, cực kì chất lượng admin ạ
Cảm ơn bạn
Cảm ơn bài viết của bạn, từ trước mình toàn mua vàng tích trữ, tuy nhiên có mua tích trữ cả ngoại tệ. Gần đây kinh tế biến động mới để ý đến giá vàng, mong bác có thêm bài chia sẻ về mua bán ngoại tệ, được không ạ
Cảm ơn bạn đã quan tâm, sẽ sớm có 1 bài như vậy
Cảm ơn tác giả bài viết. Mình mua vàng sjc 3 lần và lỗ cả 3 lần. Hiện tại vẫn còn đang lỗ vì mua nhẫn lúc 56,6, đúng là không có kiến thức nên sai toàn tập.