Tại Sao In Tiền Ồ Ạt Mà Lạm Phát Chưa Trở Lại? Mối Liên Hệ Giữa Giá Vàng Và Lạm Phát
Có bao giờ bạn tự hỏi rằng: Tại sao ngày nay khi tiền được in ồ ạt, giá vàng tăng cao mà lạm phát chưa xuất hiện? Đại dịch Covid 19 tàn phá nền kinh tế toàn cầu. FED và các ngân hàng trung ương bơm tiền không ngớt ra các nền kinh tế các nước nhằm khắc phục hậu quả do khủng hoảng gây ra.
Vậy tại sao các siêu lạm phát lại không xuất hiện? Phải chăng cách bơm tiền hiện nay đã khác và làm cho lạm phát không tăng? Tất cả sẽ được tôi giải đáp qua bài viết này. Cùng với đó, tôi sẽ bật mí cho bạn biết bí mật đằng sau mối liên hệ của giá vàng và lạm phát là gì? Hãy cùng theo dõi nhé.
Tại sao tiền được bơm ra nhiều mà lạm phát chưa trở lại?
Câu hỏi này để giải đáp bạn cần 1 chút kiến thức trong ngành kinh tế. Tôi sẽ cố gắng trình bày đơn giản nhất để cho bạn có thể dễ dàng hiểu điều gì đang xảy ra với lạm phát hiện nay. Đầu tiên là công thức tính lạm phát.
Nhìn vào công thức này bạn có thể thấy tỉ lệ lạm phát phụ thuộc vào CPI là chỉ số giá tiêu dùng. Khi CPI tăng càng mạnh thì lạm phát sẽ càng lớn và ngược lại. Mặt khác, CPI lại phụ thuộc vào giá của các giỏ hàng hóa cụ thể. Ví dụ như là giỏ hàng hóa tiêu dùng, giỏ hàng hóa y tế, giáo dục, …. Như vậy 1 cách ngắn gọn thì bạn cần hiểu được rằng tỉ lệ lạm phát có liên hệ tích cực với giá của các giỏ hàng hóa. Nghĩa là khi giá của các giỏ hàng hóa tăng thì lạm phát sẽ tăng.
Bây giờ chúng ta hãy xem xét mối liên hệ giữa việc bơm tiền và giá của các giỏ hàng hóa. Nắm rõ điều này bạn sẽ trả lời được ngay câu hỏi: Tại sao tiền in ra nhiều mà chưa có lạm phát?
Mối liên hệ giữa giá cả hàng hóa và cung tiền bơm ra
Trong chủ nghĩa tiền tệ, có 1 công thức được sử dụng mô tả tác động của lượng tiền bơm ra tới giá cả hàng hóa. Phương trình này như sau:
Theo đó ta có M × V = P × Y trong đó:
M – Money hay là lượng tiền được bơm ra nền kinh tế.
V là tốc độ xoay vòng tiền tệ. Nghĩa là số giao dịch mà 1 lượng tiền nhất định thực hiện. (Ví dụ, A có 100$, A dùng 100$ này mua 1 cái điện thoại của B, B lại dùng 100$ này để mua đồ ăn tại cửa hàng của C, C lại dùng 100$ này mua quần áo từ D… Cứ như vậy. Và đó gọi là số vòng quay của 100 $).
Trong 1 thời điểm nhất định thì V thường là 1 hằng số. Bởi mọi người trong xã hội luôn phải chi tiêu, luôn phải trao đổi. V chỉ thay đổi khi giao dịch trong nền kinh tế đột ngột giảm mạnh. Hiện tượng này gọi là nghẽn tín dụng sẽ được tôi nói rõ ở phần sau.
P – Price là giá cả của 1 giỏ hàng hóa.
Y – là GDP thực hay còn gọi là tổng lượng sản phẩm làm ra. Y về bản chất là năng suất lao động của 1 nền kinh tế. Cũng là 1 đại lượng rất khó thay đổi trong 1 thời gian ngắn.
Đây chính là công thức tương quan giữa lượng tiền bơm ra và GDP danh nghĩa (bằng GDP thực nhân với giá hàng hóa).
Nhìn vào phương trình bạn có thể thấy khi V và Y cố định. Nếu M tăng (bơm nhiều tiền ra) thì chắc chắn P phải tăng theo hay giá cả tăng theo. Mà giá cả tăng tức là lạm phát sẽ tăng.
Vậy khi nào lạm phát quay trở lại?
Tuy nhiên, hiện nay đại dịch Covid-19 lần này có vẻ như đang giữ cho lạm phát chưa thể tăng. Vì sao lại như vậy? Bởi vì nó làm cho V hay tốc độ xoay vòng tiền tệ giảm.
Đại dịch khiến các nước ban bố các chương trình dãn cách xã hội, các công ty, doanh nghiệp, cơ sở chế biến khai thác tê liệt. Người dân thắt chặt chi tiêu do thất nghiệp, tiền chỉ còn được dùng cho các nhu cầu thiết yếu. Đây chính là hiện tượng nghẽn tín dụng và là lý do làm cho V giảm.
Và từ đó, dù cho M hay cung tiền tăng thì giá cả hàng hóa cũng không thể tăng. Đây chính là câu trả lời cho câu hỏi vì sao lạm phát hay siêu lạm phát chưa xuất hiện.
Từ phân tích trên bạn cũng có thể biết được ngay khi nào lạm phát quay trở lại. Đó là khi đại dịch qua đi. Người dân chi tiêu bình thường trở lại, doanh nghiệp sản xuất trở lại, các hoạt động kinh doanh vui chơi giải trí quay lại. Người tiêu dùng mạnh tay hơn, chi tiêu mạnh mẽ hơn. Tôi không biết thời điểm ấy có đến sớm hay không nhưng chắc chắn nó sẽ tới trong tương lai.
Bí mật giữa giá vàng và lạm phát
Giờ thì bạn đã hiểu vì sao hiện tại lạm phát hay siêu lạm phát chưa quay trở lại. Nó chỉ đang ở tương lai và đang chờ chúng ta sau những khối lượng tiền khổng lồ được ngân hàng trung ương các nước bơm ra. Vậy mối quan hệ giữa giá vàng và lạm phát là gì?
Trong các bài viết trước tôi đã nói rằng giá vàng là sự phản ánh niềm tin của nhà đầu tư dành cho FED và nền kinh tế Mỹ. Nếu như niềm tin ấy là tích cực, đồng USD tăng điểm thì giá vàng sẽ giảm hoặc đi ngang, còn nếu niềm tin ấy bị lung lay, USD mất điểm thì giá vàng sẽ tăng mạnh mẽ.
Siêu lạm phát và bong bóng giá vàng
Vậy còn với lạm phát thì sao? Sự thật là những siêu lạm phát sẽ chỉ xảy ra với những bong bóng tài chính như cổ phiếu, bất động sản, vàng mà thôi. Lý do? Là vì khi FED bơm tiền, những bong bóng này được thổi lên mạnh mẽ nhất.
Tiền được bơm ra rất ít đi vào lưu thông (sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tê liệt). Nó sẽ được rót vào các bong bóng tài chính này, thổi phồng chúng lên. Siêu lạm phát sẽ ập tới, FED sẽ điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản, chỉ có khi đó những bong bóng này mới phát nổ và “xì hơi”.
Như vậy, trong bối cảnh hiện tại, với chính sách tiếp tục nới lỏng tiền tệ (bơm tiền và giữ lãi suất thấp) tới hết 2025 của FED. Chúng ta sẽ chưa thể thấy vàng hay các bóng bóng tài chính khác nổ. Giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng và phá vỡ các mức giá cao nhất mọi thời đại. Sẽ có những đợt điều chỉnh, giá vàng những ngày qua là 1 ví dụ. Đây chính là những cơ hội để bạn có thể làm giàu từ vàng.
Tổng kết
Tất cả những điều này chỉ là chia sẻ kiến thức tài chính và kinh tế. Bạn không nên xem nó là 1 lời khuyên đầu tư, hãy làm chủ đồng tiền trong tay bạn. tôi vẫn sẽ còn viết nhiều bài viết khác về chủ đề này. Hy vọng bài viết có ích cho các bạn. Xin chào và hẹn gặp lại.