Điều gì đã tạo nên mối quan hệ thú vị giữa giá vàng và đồng USD?
Thị trường tài chính là một hệ thống phức tạp, nơi mọi nhân tố tham gia đều tương tác với nhau để tạo ra những biến động không ngừng. Trong đó, mối quan hệ giữa giá vàng và đồng USD đặc biệt được giới đầu tư chú ý về mối quan hệ và khả năng ảnh hưởng mạnh mẽ lẫn nhau của chúng. Bài viết sẽ nói về mối quan hệ này, nhìn vào quá khứ lịch sử, đồng thời xem xét các yếu tố tác động đến chúng.
Lịch sử của giá vàng và đồng USD
Vàng, với vẻ đẹp và tính quý hiếm của nó, đã đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử kinh tế và văn hóa của nhân loại. Từ thời xa xưa, con người đã biết cách sử dụng vàng không chỉ với mục đích trang sức mà còn để thực hiện các giao dịch thương mại. Vàng được xem là một hình thức giữ giá, và ngày càng trở thành một đơn vị tiền tệ chung được nhiều nền văn minh sử dụng để định giá và trao đổi hàng hóa.
Ngược lại, đồng USD, hay còn được biết đến với cái tên đô la Mỹ, đã trở thành ngôi sao sáng trong hệ thống tiền tệ quốc tế sau chiến tranh thế giới thứ 2. Đây là đơn vị tiền tệ chính thức của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và đã có ảnh hưởng mạnh mẽ trên khắp thế giới.
Ngày nay, đồng USD không chỉ là một đơn vị tiền tệ, mà còn là công cụ đầu tư phổ biến. Nhà đầu tư thường xuyên lựa chọn đầu tư vào USD để tận dụng những biến động trong tỷ giá hối đoái. Chênh lệch tỷ giá giữa USD và các đồng tiền khác tạo ra cơ hội lợi nhuận, và nhiều người đầu tư quốc tế đánh giá cao tính thanh khoản và ổn định của đồng tiền này.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai (1945-1971)
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, thế giới đứng trước nhiệm vụ tái thiết kinh tế và tài chính. Hội nghị Bretton Woods năm 1944 đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một hệ thống tài chính quốc tế mới và thiết lập nên mối quan hệ giữa vàng và USD.. Trong hệ thống này, các đồng tiền trên thế giới sẽ được bảo trợ bởi đồng USD và USD sẽ được bảo trợ bởi vàng.
Mỹ, với lượng dự trữ vàng lớn nhất thế giới (chiếm 3/4), nhanh chóng trở thành trung tâm tài chính của toàn cầu. Hệ thống Bretton Woods và chế độ Bản vị vàng giúp cho giá vàng ổn định và liên kết chặt chẽ với giá trị đồng USD. Những quốc gia khác đều đồng ý chấp nhận đồng USD làm tiền tệ chính thức và sử dụng nó trong thương mại quốc tế. Đồng USD được neo theo giá vàng với giá trị dao động xung quanh 35 USD/ 1 ounce trong suốt thời kỳ từ năm 1945 đến 1971.
Chế độ này mang lại những lợi ích cho Mỹ mặc dù nước này phải đảm bảo rằng lượng USD in ra phải được hỗ trợ bằng lượng vàng trong dự trữ. Tuy nhiên, nhược điểm của Chế độ bản vị vàng đã bắt đầu trở nên rõ ràng khi Mỹ bắt đầu chi tiêu quá mức, dẫn đến áp lực lớn lên dự trữ vàng. Sự không cân đối này đã đánh dấu sự kết thúc của chế độ này và mở ra một thời kỳ mới cho thị trường vàng và tài chính toàn cầu.
Sự sụp đổ của chế độ Bản vị vàng và hệ thống Bretton Woods (1971)
Đến năm 1971, nhược điểm của Chế độ Bản vị Vàng bắt đầu hiện rõ. Mỹ đang phải đối mặt với các vấn đề tài chính nghiêm trọng do chiến tranh Việt Nam và các sự kiện quốc tế khác. Các khoản chi tiêu lớn và in tiền mà không có sự hỗ trợ từ vàng đã làm cho lượng vàng trong dự trữ của Mỹ giảm đi đáng kể.
Đối mặt với nguy cơ mất số lượng vàng lớn, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã đưa ra quyết định bất ngờ được biết đến với cái tên Nixon Shock. Ngày 15 tháng 8 năm 1971, ông Nixon thông báo rằng Mỹ sẽ đơn phương phá giá đồng đô la, đình chỉ khả năng quy đổi của đồng đô la ra vàng.
Quyết định của Nixon là một bước ngoặt lớn trong lịch sử tài chính thế giới, đánh dấu sự kết thúc của Chế độ Bản vị vàng và mở ra một kỷ nguyên mới.
Sự kiện này không chỉ làm thay đổi toàn diện cấu trúc tài chính quốc tế mà còn tác động mạnh mẽ đến thị trường vàng. Giá USD, trước đó được giữ ổn định bởi vàng, bây giờ được thả nổi tự do dựa trên cung cầu thị trường và các yếu tố tài chính quốc tế.
Thị trường vàng bước vào một thời kỳ đầy biến động và không chắc chắn. Giá vàng bắt đầu phản ánh không chỉ tình hình tài chính của Mỹ mà còn các yếu tố toàn cầu như lạm phát, ổn định chính trị, và tình hình an ninh quốc tế.
Khủng hoảng tài chính toàn cầu và Covid-19
Khi Mỹ ngừng bán vàng, các quốc gia khác phải bán lượng lớn USD để mua vàng trên thị trường mở. Điều này dẫn đến tình trạng đẩy giá vàng tăng vọt lên mức 850 USD/1 ounce, một con số chưa từng thấy và đánh dấu một cú sốc lớn đối với thị trường tài chính toàn cầu. Từ năm 1976 đến 1980, thị trường vàng quốc tế đã trải qua một giai đoạn tăng giá không kiểm soát, khiến giá tăng lên 8 lần, đặc biệt là tại Mỹ.
Năm 2008, thế giới lại chứng kiến một thách thức lớn với khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sự đổ vỡ của hơn 70 ngân hàng Mỹ đã tạo ra một gánh nặng đè lên nền kinh tế thế giới. Chính phủ các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ, EU, và Nhật Bản, phải áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế để ngăn chặn suy thoái. Tuy nhiên, chiến lược bơm vốn mạnh mẽ này không chỉ làm tăng thêm thâm hụt ngân sách mà còn gây giảm giá đồng USD so với các đồng tiền khác.
Trong bối cảnh này, thị trường vàng trở thành điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư. Giá vàng tăng kỷ lục, vượt qua ngưỡng 1.900 USD/1 ounce.
Năm 2020, thế giới tiếp tục đối mặt với một thách thức mới – đại dịch Covid-19. Một lần nữa, Chính phủ Mỹ, thông qua Cục Dự trữ Liên Bang (FED), thực hiện chính sách giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Điều này tạo ra một lưu lượng lớn tiền trong lưu thông, làm tăng giá vàng lên kỷ lục mới vượt mốc 2.000 USD và khiến nhà đầu tư đổ xô vào thị trường vàng.
Mối quan hệ giữa giá vàng và USD
Vàng và USD, hai nhân tố cực kỳ quan trọng trong bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế toàn cầu. Chúng thường xuyên là đề tài nóng hổi trong các cuộc thảo luận kinh tế. Mối liên kết chặt chẽ giữa chúng đóng vai trò lớn trong việc hình thành xu hướng đầu tư trên thị trường tài chính.
Dựa trên nghiên cứu và thực tế, chúng ta có thể khẳng định mối quan hệ giữa giá vàng và đồng USD là tỷ lệ nghịch. Nói cách khác, khi giá vàng tăng, giá trị của đồng USD sẽ giảm và ngược lại. Khi giá vàng giảm, giá trị của đồng USD sẽ trở nên cao hơn.
Nguồn gốc của mối quan hệ này xuất phát từ việc vàng được xem như một công cụ chống lạm phát hiệu quả. Trong khi đó, giá trị của đồng USD liên quan chặt chẽ đến tỷ giá hối đoái. Khi giá trị của đồng USD giảm, việc mua vàng đòi hỏi chi phí nhiều USD hơn, làm tăng giá trị của vàng khi tính bằng USD và ngược lại.
Điều này cho thấy giá trị của đồng USD chịu sự ảnh hưởng lớn từ chính sách tiền tệ của chính phủ Mỹ. Trái ngược, giá trị của vàng thường độc lập hơn với những yếu tố này.
Mặc dù mọi loại tiền tệ đều phản ánh mối quan hệ tỷ lệ nghịch với giá vàng, sự chú ý thường tập trung vào mối quan hệ giữa giá vàng và USD. Điều này bởi đồng USD luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong dự trữ ngoại hối của các Ngân hàng Trung ương, tạo nên một cơ sở để so sánh thị trường vàng và USD.