Lịch Sử 50 Năm Giá Vàng: Mối Liên Hệ Giữa Vàng Và Các Chỉ Số Cổ Phiếu
Trong thế giới đầu tư, vàng hay các kim loại quý luôn được cho là có mối quan hệ tiêu cực với chứng khoán hay các mã cổ phiếu. Sự chuyển đổi dòng tiền từ 2 thái cực này đã giúp nền kinh tế thế giới vận hành trong hàng trăm năm qua. Hôm nay tôi sẽ cùng với các bạn nhìn lại lịch sử giá vàng để phân tích mối quan hệ này. Đây là một trong những cách mà tôi hay sử dụng nhất để dự đoán giá vàng trong dài hạn. Hãy chờ xem chúng ta có gì trong bài viết này nhé
Lịch sử 50 năm giá vàng và chỉ số Dow Jones
Tại sao lại là cổ phiếu Mỹ vì đơn giản đây là cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới. 2 chỉ số Dow Jones và S&P 500 là các yếu tố vĩ mô ảnh hưởng mạnh mẽ tới dòng tiền lớn trên toàn cầu Nó ảnh hưởng cụ thể như thế nào chúng ta sẽ xem xét ngay sau đây.
Đây là biểu đồ tăng trưởng của vàng và chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones giai đoạn từ 1950 tới 2020. Từ biểu đồ này, bạn có thể dễ dàng thấy được vàng và chứng khoán “kỵ” nhau như thế nào? Đầu tiên hãy nhìn vào những vạch dọc màu xám. Đó là những giai đoạn nền kinh tế thế giới đi vào khủng hoảng. Và tại đó cũng là lúc vàng và thị trường chứng khoán có những diễn biến trái ngược nhau hoàn toàn.
Cụ thể, trong giai đoạn 1970-1980 diễn ra 3 cuộc khủng hoảng và suy thoái, giá vàng tăng vọt. Như trong bài viết trước từng đề cập, nếu tính cả lạm phát thì đây là mốc cao nhất mọi thời đại của vàng đã đạt được vào năm 1980. Tuy nhiên, với Dow Jones thì sao ạ? Trong suốt giai đoạn này đa phần nó chỉ đi ngang và bắt đầu tăng từ sau năm 1980. Sự khác nhau là rất rõ.
Bong bóng dotcom năm 2000 sụp đổ
Một ví dụ nữa đó là giai đoạn từ sau năm 2000 khi bong bóng thị trường cổ phiếu vào các công ty công nghệ đổ vỡ. Giá vàng đã có chuỗi tăng giá không ngừng nghỉ tới tận năm 2008 còn Dow Jones thì nhìn chung là đi ngang với những đợt ngụp lặn lớn.
Và cuối cùng là hiện tại năm 2020. Giá vàng đang có những động thái cho cú tăng giá tiếp theo. Chỉ số Dow Jones thì đang chao đảo với những đợt tăng giảm liên tiếp. Liệu lịch sử có lặp lại như 2 giai đoạn chúng ta vừa phân tích? Tôi xin nhường câu trả lời lại cho các bạn nhé.
Lịch sử giá vàng và chỉ số SP 500
Giá vàng và chỉ số S&P 500 có mối liên hệ cũng không khác là bao khi một bên đại diện cho sự tăng trưởng nền kinh tế còn bên kia là nơi trú ẩn hoàn hảo khi khủng hoảng và suy thái. Biểu đồ tỉ lệ chuyển đổi vàng sang S&P 500 dưới đây sẽ cho bạn thấy rõ điều này.
Biểu đồ tương tác này theo dõi tỷ lệ của chỉ số thị trường S&P 500 với giá vàng từ năm 1915 tới nay. Nó cho bạn biết cần bao nhiêu ounce vàng để mua S&P 500 vào bất kỳ tháng nào.
Bạn thấy gì ạ? Tỉ lệ này mặc dù có lên xuống trong 100 năm qua nhưng giá trị hiện nay không khác 100 năm trước là bao. Tỉ lệ chuyển đổi giữa vàng và SP 500 chỉ biến động mạnh nhất khi khủng hoảng xảy ra. Bạn sẽ cần ít vàng hơn để mua SP 500 khi khủng hoảng so với khi nền kinh tế phục hồi. Lại một lần nữa chứng khoán và vàng đối nghịch nhau. Và tôi tin lần này lịch sử sẽ tiếp tục lặp lại.
Năm 2020 cả vàng và chứng khoán tăng điểm? Liệu mọi thứ đã thay đổi?
Có nhiều bài báo, nguồn tin gần đây giải thích về hiện tượng khó hiểu tại sao giá vàng và thị trường chứng khoán (đặc biệt là Mỹ) có cùng động thái tăng giảm giống nhau. Và liệu mối xung khắc vàng – cổ phiếu có còn tồn tại? Nếu bạn chưa tin điều này thì hãy nhìn vào biểu đồ dưới đây.
Biểu đồ này mô tả giá vàng và S&P 500 trong 4 tháng đầu năm 2020.
Chúng ta đang trong khủng hoảng, vậy mà tại sao vàng và chứng khoán lại đồng điệu vậy? Phải chăng mọi thứ đã thay đổi? Không, ít nhất là tới thời điểm này tôi tin là không. Nếu kịch bản cũ xảy ra sớm như vậy thì ai cũng giàu rồi phải không nào?
Vậy nguyên nhân ở đây là gì?
Cách FED bơm tiền
Cục dự trữ liên bang của Mỹ là tổ chức tiền tệ quyền lực bậc nhất thế giới. Mọi hành vi như giảm lãi suất, tung các gói cứu trợ của FED có ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta ai cũng biết rằng họ sẽ bơm tiền cứu nền kinh tế khi khủng hoảng xảy ra nhưng mấy ai biết cách họ bơm tiền như nào và bạn có bao giờ đặt ra câu hỏi tiền của FED sẽ chảy vào đâu? Mọi lý do đưa ra cho các gói cứu trợ doanh nghiệp như là chi phí bảo trì, chi phí nhân sự, khắc phục thua lỗ… liệu có phải là đủ?
Theo quan điểm của cá nhân tôi, tiền được bơm sẽ được dùng để khôi phục niềm tin nhà đầu tư vào cổ phiếu bằng cách đẩy giá và các chỉ số của thị trường chứng khoán. Đây chính là lý do chính giải thích cho việc Dow Jones, S&P 500 và hàng loạt các mã cổ phiếu tăng mạnh trở lại trong giai đoạn vừa qua.
Bạn có nghĩ như tôi không? Bạn có cho rằng lịch sử sẽ không lặp lại? Hãy cho tôi biết tại phần bình luận và chúng ta sẽ cùng trao đổi. Xin chào và hẹn gặp lại.